Mổ tuyến giáp trong điều trị ung thư tuyến giáp
Mục lục
- 1. Mục tiêu của mổ ung thư tuyến giáp
- 2. Mổ tuyến giáp nên được thực hiện khi nào?
- 3. Các phương pháp mổ tuyến giáp phổ biến hiện nay
- 3.1. Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp
- 3.2. Mổ cắt bỏ một thùy tuyến giáp
- 3.3. Mổ tuyến giáp kèm theo loại bỏ hạch bạch huyết vùng cổ
- 3.4. Mổ nội soi
- 4. Cắt tuyến giáp có ảnh hưởng gì không?
- 5. Chăm sóc bệnh nhân sau khi mổ tuyến giáp như thế nào?
- 5.1 Đối với vết thương sau mổ
- 5.2 Chế độ ăn uống
- 5.3 Vận động và tập luyện
- 5.4 Bổ sung hormone tuyến giáp
- 5.5 Bổ sung canxi và vitamin D
- 5.6 Theo dõi tái khám
Mổ tuyến giáp là một trong những phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp phổ biến, thường được chỉ định cho các ca bệnh chưa ghi nhận di căn cơ quan xa. Có rất nhiều vấn đề đáng lưu tâm khi bệnh nhân ung thư được chỉ định mổ tuyến giáp. Bài viết này sẽ giúp bệnh nhân và người nhà hiểu rõ hơn về phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp.
1. Mục tiêu của mổ ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật tuyến giáp trong điều trị ung thư giúp loại bỏ tế bào ung thư tuyến giáp ra khỏi cơ thể, đồng thời hạn chế sự phát triển của bệnh. Kỹ thuật mổ u tuyến giáp có thể cắt bỏ một phần thùy tuyến giáp hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp. Việc cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước của khối u, sự xâm lấn của khối u, loại ung thư…
Bên cạnh đó, mổ tuyến giáp còn giúp bác sĩ xác định được chính xác giai đoạn phát triển của ung thư. Thông qua đó, bác sĩ sẽ chỉ định được phương pháp điều trị tiếp theo như xạ trị, liệu pháp iốt phóng xạ, hormone thay thế.
4 mục tiêu chính của mổ tuyến giáp là:
- Loại bỏ toàn bộ hoặc một phần thùy tuyến giáp có chứa tế bào ung thư ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
- Bảo toàn tuyến cận giáp
- Loại bỏ hạch đã nghi ngờ có tế bào ung thư di căn đến.
- Hạn chế tổn thương đến dây thần kinh quặt ngược thanh quản và dây thần kinh thanh quản trên. Đây là 2 dây thần kinh có chức năng điều khiển giọng nói.
2. Mổ tuyến giáp nên được thực hiện khi nào?
ATA là hướng dẫn của Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ, giúp cung cấp các thông tin cần thiết về chỉ định mổ và các loại mổ tuyến giáp, được các chuyên gia phẫu thuật tuyến giáp trên thế giới áp dụng rộng rãi.
Theo đó, 3 nhóm bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp được chỉ định mổ tuyến giáp với các ý nghĩa điều trị như sau:
- Nhóm 1: Bệnh nhân không có kích thước tuyến giáp bình thường, khối u ác tính có kích thước lớn hơn 4cm, có thể xâm lấn và di căn xa. Nhóm này nên được cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.
- Nhóm 2: Khối u ác tính có kích thước từ 1 – 4cm, chưa có dấu hiệu xâm lấn hoặc di căn. Tùy thuộc vào từng cá nhân, bác sĩ điều trị có thể chỉ định cắt toàn bộ tuyến giáp hoặc một thùy.
- Nhóm 3: Khối u ác tính có kích thước nhỏ, chỉ dưới 1cm, chưa có xâm lấn và di căn. Trường hợp này nên được theo dõi chặt chẽ hoặc xem xét cắt một thùy tuyến giáp.
3. Các phương pháp mổ tuyến giáp phổ biến hiện nay
Dưới đây là 4 phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến giáp phổ biến hiện nay.
3.1. Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp
Đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp có kích thước khối u lớn, có thể đã di căn hoặc xâm lấn, thì phẫu thuật toàn bộ tuyến giáp là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Phẫu thuật toàn bộ tuyến giáp được thực hiện thông qua 1 đường rạch phía trước cổ. Đường rạch này dài khoảng 5 – 7cm.
Sau khi mổ một thời gian, vết sẹo trước cổ bệnh nhân sẽ mờ dần. Để hạn chế sẹo, các bác sĩ cũng thực hiện kỹ thuật rạch trên nếp lằn cổ. Do đó, bệnh nhân không cần quá lo lắng về sẹo sau phẫu thuật.
Sau khi cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân sẽ phải uống hormon tuyến giáp suốt đời. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng iốt phóng xạ cùng với xét nghiệm máu để phát hiện sớm ung thư tái phát (nếu có).
3.2. Mổ cắt bỏ một thùy tuyến giáp
Phẫu thuật cắt bỏ một thùy tuyến giáp thường được chỉ định trong trường hợp khối u có kích thước nhỏ hơn 4cm, chưa xâm lấn ra ngoài hoặc nguy cơ di căn thấp. Kỹ thuật này sẽ loại bỏ phần thùy chứa tế bào ung thư, có thể cùng với eo giáp.
Sau mổ cắt bỏ một thùy tuyến giáp, bệnh nhân không cần uống thuốc hormon tuyến giáp vì vẫn còn một phần tuyến giáp. Nhưng cũng cần lưu ý vì sau này phần tuyến giáp còn lại vẫn có thể phát triển ung thư.
3.3. Mổ tuyến giáp kèm theo loại bỏ hạch bạch huyết vùng cổ
Mổ tuyến giáp kèm theo loại bỏ hạch bạch huyết vùng cổ là phương pháp cắt toàn bộ hoặc một thùy tuyến giáp, kèm theo phẫu thuật nạo vét hạch cổ nghi ngờ ung thư di căn hạch bạch huyết. Mục tiêu của phương pháp điều trị này là loại bỏ hạch bạch huyết, giúp giảm các tế bào ung thư, ngăn ngừa các biến chứng về sau và chẩn đoán di căn hạch.
3.4. Mổ nội soi
Mổ nội soi thường được chỉ định cho bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp có kích thước nhỏ, không xâm lấn, không di căn. Mổ nội soi được chỉ định trong u tuyến giáp lành tính nhiều hơn u tuyến giáp ác tính. Mổ nội soi mang lại nhiều ưu điểm như:
- So với kỹ thuật mổ mở, mổ nội soi ít gây đau hơn, thời gian phục hồi cũng nhanh hơn.
- Sẹo sau mổ rất nhỏ.
- Ít gây ra biến chứng nguy hiểm.
Tất nhiên mổ nội soi vẫn có những nhược điểm như:
- Thời gian thực hiện kỹ thuật có thể lâu hơn mổ mở.
- Nếu thực hiện không thành công có nguy cơ chuyển sang mổ mở vì khó mổ nội soi nhiều lần.
- Mổ nội soi làm tăng nguy cơ biến chứng tổn thương dây thần kinh thanh quản.
Xem thêm: Truyền hóa chất sống được bao lâu, có khỏi được bệnh ung thư không?
4. Cắt tuyến giáp có ảnh hưởng gì không?
Phẫu thuật tuyến giáp trong điều trị ung thư có thể tiềm ẩn một số biến chứng như:
- Chảy máu: Đây là một trong những biến chứng hiếm gặp vì kỹ thuật mổ ngày càng hiện đại, tuy vậy vẫn có số ít bệnh nhân bị chảy máu.
- Nhiễm trùng: Sử dụng kháng sinh trong khi mổ và thực hiện đúng hướng dẫn chăm sóc vết thương sau khi mổ sẽ hạn chế được nhiễm trùng.
- Sẹo: Vết sẹo ở cổ sẽ mờ dần sau phẫu thuật.
- Liệt dây thanh âm: Tình trạng này thường xuất hiện trong thời gian ngắn rồi bình phục hoàn toàn.
- Cơn bão giáp trạng: Biến chứng này hiếm khi xảy ra vì hiện đã có thuốc kiểm soát nhiễm độc giáp. Một số ít bệnh nhân bị cơn bão giáp trạng sẽ xuất hiện các triệu chứng như bồn chồn, sốt cao, tim đập nhanh, tiêu chảy, ra nhiều mồ hôi, mê sảng…
- Nhiễm độc giáp: Có khoảng 2 – 4% bệnh nhân bị nhiễm độc giáp sau khi cắt bỏ tuyến giáp. Tình trạng này không cần phẫu thuật thêm mà được điều trị bằng iốt phóng xạ.
- Tổn thương tuyến cận giáp: Tuyến cận giáp có chức năng điều chỉnh nồng độ canxi. Khi tuyến cận giáp bị tổn thương có thể dẫn đến nồng độ canxi máu thấp, gây ra các triệu chứng như ngứa ngáy, co thắt cơ, tê rần rần… Tình trạng này có thể kiểm soát được bằng thuốc.
Ngay sau khi phẫu thuật, tuyến cận giáp thường không hoạt động bình thường ngay. Do đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân bổ sung thêm vitamin D và canxi trong vài tuần sau phẫu thuật. Đến thời điểm thích hợp, lượng canxi cần bổ sung sẽ giảm dần và có thể dừng lại. Tuy nhiên, thay vì ngừng hoàn toàn, phụ nữ trên 40 tuổi thường được hướng dẫn bổ sung canxi với liều lượng nhỏ.
- Suy giáp: Nếu phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp, bệnh nhân sẽ trong tình trạng suy giáp và cần được bổ sung hormon. Trường hợp cắt một phần tuyến giáp thì khó xác định được thời gian uống thuốc điều trị tuyến giáp, do đó bệnh nhân cần đi xét nghiệm suy giáp định kỳ. Suy giáp có thể không xuất hiện ngay sau khi phẫu thuật mà phải mất vài năm mới xuất hiện. Lưu ý, tình trạng suy giáp cần được theo dõi suốt đời.
5. Chăm sóc bệnh nhân sau khi mổ tuyến giáp như thế nào?
Việc chăm sóc bệnh nhân sau khi mổ tuyến giáp rất quan trọng để hạn chế biến chứng và giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng. Dưới đây là một số lưu ý cụ thể trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.
5.1 Đối với vết thương sau mổ
Sau khi mổ hở tuyến giáp, vết thương dài khoảng 7 – 10 cm, mất vài tuần để lành. Trong quá trình này, cần lưu ý:
- Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chạm vào vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc povidine pha loãng một cách nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương vết mổ.
- Không bôi thuốc lên vết thương trừ khi có chỉ định từ bác sĩ.
- Giữ vết thương khô ráo và sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
- Theo dõi các dấu hiệu bất thường, nếu có tình trạng chảy máu, tiết dịch, hoặc sưng tấy bất thường, cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.
5.2 Chế độ ăn uống
- Bệnh nhân không cần phải kiêng cữ quá mức, nhưng nên:
- Ăn thức ăn mềm và dễ nuốt để giảm đau và dễ tiêu hóa, đặc biệt trong những ngày đầu sau mổ.
- Ăn chậm và uống nhiều nước trong và sau bữa ăn để ngăn ngừa việc tắc nghẽn thức ăn.
- Tránh sử dụng các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ vì có thể gây khó tiêu và ảnh hưởng đến vết thương.
5.3 Vận động và tập luyện
- Bệnh nhân có thể bắt đầu vận động nhẹ nhàng sau khoảng 4 – 5 ngày sau phẫu thuật.
- Tăng cường độ vận động dần dần, tránh hoạt động gắng sức hoặc mang vác vật nặng để không làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và tránh tạo áp lực lên vùng cổ.
5.4 Bổ sung hormone tuyến giáp
- Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp. Nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn bổ sung hormone.
- Sau mổ, việc theo dõi chức năng tuyến giáp suốt đời là rất quan trọng để điều chỉnh liều hormone nếu cần.
5.5 Bổ sung canxi và vitamin D
- Sau phẫu thuật, một số bệnh nhân có thể gặp tình trạng giảm canxi máu do ảnh hưởng đến tuyến cận giáp.
- Bác sĩ có thể chỉ định bổ sung canxi và vitamin D để hỗ trợ xương và chức năng tuyến cận giáp.
5.6 Theo dõi tái khám
- Bệnh nhân cần tuân thủ lịch tái khám định kỳ để theo dõi tiến triển hồi phục và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần.
- Ngoài ra, việc thông báo sớm các dấu hiệu bất thường với bác sĩ như khó thở, khàn tiếng kéo dài, đau vùng cổ sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Như vậy, chúng ta đã biết các thông tin cơ bản về mổ tuyến giáp trong điều trị ung thư tuyến giáp. Nếu bạn cần tư vấn thêm về ung thư tuyến giáp nói riêng và các loại ung thư nói chung, vui lòng liên hệ với dược sĩ của Thế giới Fucoidan qua tổng đài miễn phí cước 1800 6527.
Sản phẩm liên quan
Bài viết liên quan
Bài viết khác cùng chuyên mục
- Bướu giáp keo là gì, có nguy hiểm không, điều trị như thế nào?
- 8 cách phòng tránh ung thư chuyên gia khuyên bạn
- Vôi hóa tuyến giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
- 5 cách phòng ngừa ung thư phổi dễ thực hiện bạn cần biết
- Thức ăn của tế bào ung thư là gì?
- Bệnh lý nhân tuyến giáp nguy hiểm như thế nào?
- Những cách chữa bệnh ung thư tuyến giáp
- Nang tuyến giáp: Nguyên nhân và cách điều trị
- Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào? Có chữa khỏi được không?
- Hạch ở cổ: Khi nào cần hết sức thận trọng?