Ống thông dạ dày – Những điều cần lưu ý!

Ống thông dạ dày hay sonde dạ dày là một ứng dụng trong ngành y tế, giúp bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân không thể ăn uống thông qua đường miệng. Khi đặt ống thông dạ dày, bệnh nhân và người nhà cần lưu ý những gì để đảm bảo an toàn và đạt được mục đích đặt ống? Theo dõi bài viết dưới đây để có được câu trả lời bạn nhé!

1. Ống thông dạ dày là gì?

Vào thập niên 80 của thế kỷ 20, bệnh nhân không thể bổ sung dinh dưỡng qua đường miệng sẽ được nuôi dưỡng qua tĩnh mạch. Nhưng phương pháp nuôi qua tĩnh mạch gây ra một bất lợi là khiến đường ruột bị bỏ trống, có thể dẫn đến thẩm lậu vi khuẩn, gây ra nhiễm trùng và nhiễm độc máu.

Vì vậy, y học đã khuyến khích việc nuôi dưỡng qua đường ruột thay cho nuôi dưỡng tĩnh mạch cho các bệnh nhân không thể ăn uống bằng đường miệng. Cho đến hiện nay, ống thông dạ dày hay còn gọi là sonde dạ dày / xông dạ dày là phương pháp nuôi dưỡng qua đường ruột được áp dụng phổ biến tại các bệnh viện.

Bên cạnh mục đích truyền dinh dưỡng cho cơ thể, đặt sonde dạ dày còn được các bác sĩ ứng dụng để chẩn đoán bệnh tình, hút dịch và theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân.

Các loại ống thông dạ dày thường gặp là đặt ống thông dạ dày ở miệng hoặc mũi đến dạ dày. Đặt ống thông dạ dày từ mũi được áp dụng phổ biến hơn vì ít ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và răng miệng của bệnh nhân. Phương pháp đặt ống thông dạ dày từ miệng ít phổ biến hơn, thường chỉ áp dụng cho bệnh nhân đang gặp vấn đề ở mũi hoặc không nói chuyện được.

Ống thông dạ dày là gì?

2. Mục đích của đặt ống thông dạ dày

Đặt ống thông dạ dày với các mục đích chính sau đây:

  • Đưa thức ăn tới dạ dày: Áp dụng cho bệnh nhân mất khả năng tự ăn uống bằng miệng, hôn mê, hệ tiêu hóa làm việc không tốt…
  • Hút dịch dạ dày: Thường thực hiện sau khi phẫu thuật để giảm tình trạng ứ đọng dạ dày.
  • Lấy dịch dạ dày để xét nghiệm: Ứng dụng này được bác sĩ chỉ định trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý liên quan đến tiêu hóa.
  • Bơm rửa dạ dày: Thường sử dụng trong tình huống bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.

3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng ống thông dạ dày sonde

Đặt ống thông dạ dày mang lại lợi ích cho nhiều bệnh nhân nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng. Do đó, chúng ta nên biết ống thông dạ dày được chỉ định và chống chỉ định cho những đối tượng nào.

3.1. Chỉ định sử dụng ống thông dạ dày

  • Bệnh nhân bị ung thư dạ dày, viêm loét dạ dày nặng
  • Những người bị trướng bụng sau khi phẫu thuật
  • Trẻ em nghi ngờ mắc các vấn đề về hô hấp và lao phổi
  • Bệnh nhân đang bị dị dạng đường tiêu hóa dẫn đến khó thở, khó nuốt thức ăn
  • Bệnh nhân bị bất tỉnh, hôn mê trong thời gian dài
  • Bệnh nhân phải rửa dạ dày

Trẻ em nghi ngờ các vấn đề về hô hấp có thể sử dụng ống thông dạ dày.

3.2. Chống chỉ định đặt ống thông dạ dày

  • Thành họng bị áp xe
  • Bệnh nhân có nghi ngờ thủng dạ dày
  • Bệnh nhân bị tổn thương ở vùng mặt và vùng hàm
  • Bệnh nhân gặp các bệnh lý liên quan đến thực quản như: co thắt động mạch thực quản, chít hẹp, phình tĩnh mạch, bỏng thực quản, u hoặc ung thư thực quản, teo thực quản…

4. Cách sử dụng ống thông dạ dày

Các bước đặt ống thông dạ dày cho bệnh nhân như sau:

  • Đối với bệnh nhân còn tỉnh, cho bệnh nhân nửa nằm, nửa ngồi. Đối với bệnh nhân đang hôn mê, cho bệnh nhân nằm đầu thấp, hơi nghiêng sang bên trái.
  • Tiến hành đo chiều dài ống thông. Cách đo ống thông dạ dày là đo từ cánh mũi tới dái tai rồi vòng xuống mũi ức, dài khoảng 45 đến 50cm là ngang phần đáy dạ dày. Hoặc cũng có thể đo theo khoảng cách từ răng đến rốn.
  • Dùng dầu bôi trơn đầu ống thông. Bôi khoảng 5cm và không để dầu đọng lại trong ống kẻo bệnh nhân bị sặc.
  • Luồn ống thông dạ dày qua mũi hoặc qua miệng. Nếu luồn qua miệng thì yêu cầu bệnh nhân mở miệng hoặc sử dụng dụng cụ mở miệng đối với bệnh nhân bị bất tỉnh.
  • Nhẹ nhàng đưa ống thông dạ dày vào bên trong cơ thể. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu ho, sặc dữ dội thì, tím môi, tím mặt thì nên rút ống ra rồi mới cho vào lại.
  • Kiểm tra xem ống thông dạ dày đã vào đúng vị trí chưa bằng cách: Nhúng đầu ngoài của ống thông vào nước không thấy sủi khí hoặc dùng bơm tiêm hút dịch vị hoặc bơm khí và nghe vùng thượng vị thấy tiếng sục của khí.
  • Dùng băng dính cố định ống thông dạ dày.
  • Lắp túi dẫn lưu vào ống thông dạ dày cho bệnh nhân.

5. Thời gian lưu ống sonde dạ dày

Thời gian lưu ống thông dạ dày phụ thuộc vào sức khỏe và thể trạng của từng bệnh nhân. Trung bình mỗi lần đặt ống thông dạ dày qua đường mũi hoặc miệng đều có thể kéo dài 5 đến 7 ngày.

Để đảm bảo vệ sinh và tránh nhiễm trùng, sau thời gian này, bệnh nhân cần được thay ống thông dạ dày mới. Bên cạnh đó, nếu đặt ống thông dạ dày ở mũi thì nên đổi sang mũi còn lại để giảm tối đa cảm giác khó chịu, đau đớn cho bệnh nhân.

Trung bình thời gian đặt ống thông dạ dày là 5 đến 7 ngày.

6. Cho ăn qua ống thông dạ dày như thế nào?

Khi cho bệnh nhân ăn qua ống thông dạ dày, nên để bệnh nhân nằm với đầu cao khoảng 30 đến 45 độ. Đồng thời, người nhà nên sử dụng thêm khăn lau chùi để đảm bảo quá trình cho bệnh nhân ăn uống được sạch sẽ hơn.

Về thực đơn cho bệnh nhân, người nhà nên chuẩn bị như sau:

  • Chỉ nên cho bệnh nhân ăn các thực phẩm được chế biến dạng lỏng, nước, mềm. Chúng ta nên dựa vào tình trạng của bệnh nhân để xây dựng được một thực đơn phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng.
  • Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên quan tâm đến bệnh lý của bệnh nhân để có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bởi vì, mỗi bệnh lý khác nhau như hôn mê gan, hôn mê tai biến mạch máu não… thì cần một loại thức ăn khác nhau.
  • Nên chia nhỏ các bữa ăn chính trong ngày để bệnh nhân dễ dàng tiêu hóa và giảm áp lực lên dạ dày.

Bên cạnh việc chú ý đến thực đơn, trong quá trình cho bệnh nhân ăn uống, người nhà cần chú ý thêm:

  • Cần đảm bảo thức ăn thật mềm và nhuyễn để dễ dàng đưa qua ống thông.
  • Nên cho bệnh nhân ăn một cách từ từ để tránh tình trạng nôn ói.
  • Đảm bảo ống thức ăn luôn sạch sẽ để hạn chế vi khuẩn xâm nhập.
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên bệnh nhân bằng nước muối sinh lý.

7. Những lưu ý khác cho bệnh nhân đặt ống thông dạ dày

  • Khi bệnh nhân có các biểu hiện bất thường sau đây cần đưa bệnh nhân đi khám: Chảy máu ở vị trí đặt ống thông, buồn nôn nhiều, tím tái mặt mày, ho nhiều, nhịp tim không ổn định…
  • Nếu bệnh nhân bị trào ngược trong khi ăn thì nên cho bệnh nhân ăn chậm lại. Đồng thời, trong khi ăn hoặc sau khi ăn khoảng 30 phút cho bệnh nhân kê cao đầu khoảng 30 độ.
  • Nếu bệnh nhân bị nôn cần tiến hành hút dịch họng và phế quản.
  • Nếu bệnh nhân bị hít sặc, nên cho bệnh nhân ngồi cao đầu trước và sau khi ăn.
  • Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy, cần kiểm tra xem thức ăn có đảm bảo an toàn vệ sinh không, đồng thời nên cho bệnh nhân ăn ít lại.
  • Nếu bệnh nhân có dấu hiệu giảm cân, cần cân đối lại chế độ dinh dưỡng.

Như vậy chúng ta đã biết được những lưu ý quan trọng khi đặt ống thông dạ dày. Nếu cần được tư vấn thêm bởi dược sĩ của Thế giới Fucoidan vui lòng gọi đến tổng đài miễn cước 1800 6527.

Đánh giá

CHUYÊN GIA TƯ VẤN